TRANH SƠN MÀI KHẢM TRỨNG VÀ SỰ TỈ MỈ ĐẾN KHÔNG NGỜ…

Tranh sơn mài sử dụng các vật liệu màu truyền thống của nghề sơn như sơn then, sơn cánh gián làm chất kết dính, cùng các loại son, bạc thếp, vàng thếp, vỏ trai... vẽ trên nền màu đen. Bên cạnh đó, các họa sĩ cũng tìm tòi phát hiện thêm các vật liệu màu khác như vỏ trứng, ốc, cật tre... để sáng tác những bức tranh sơn mài thực sự. Vỏ trứng là một trong những chất liệu độc đáo được danh họa Jean Dunand tìm tòi và đưa vào sử dụng đến ngày nay.

Jean Dunand (1877 - 1942) là hoạ sĩ gốc Pháp, sinh tại Thụy Sĩ. Ông được coi là một trong những hoạ sĩ sơn mài lớn nhất trong những năm 1920. Sau khi Jean Dunand học được kỹ thuật sơn mài Nhật Bản từ Seizo Sugawara tại Paris năm 1912, ông đã áp dụng sơn mài vào làm các đồ mỹ nghệ và hội hoạ.
Tranh sơn mài khảm (gắn) trứng là một trong các thể loại đặc biệt trong nghệ thuật sơn mài Việt Nam, vừa độc đáo vừa cuốn hút nên được xem là một trong những thành công lớn của sơn mài nước ta.

Để cho ra đời một tác phẩm tranh sơn mài khảm vỏ trứng, ngoài sự tỉ mỉ, cẩn thận trong quá trình làm sản phẩm mà hơn hết còn là sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố mỹ thuật và sự khéo léo của đôi bàn tay người họa sĩ.

Bắt đầu từ khâu chuẩn bị nguyên liệu, đó là vỏ trứng gà hoặc trứng vịt sau khi nở bóc vỏ và được thu gom, ngâm nước, rửa sạch rồi đem lên đảo trên chảo. Đảo trứng với lửa nhẹ để cho ra màu nâu cháy nhẹ, nếu để lâu hơn sẽ ra màu nâu cháy gắt. Như vậy là có thể có được các màu vàng, hồng tươi, trắng của trứng gà; màu xanh của trứng vịt; màu nâu cháy vừa, nâu cháy gắt hơn đen của trứng nước,… nguyên liệu sẵn sàng để họa sĩ thể hiện khả năng phối màu tạo ra các tác phẩm khảm trứng độc đáo.

Vừa qua, Sơn mài Việt Nam đã phỏng vấn họa sĩ Minh Trang về quá trình cẩn trứng trong tác phẩm khổ lớn: 1m8x3m: "Tĩnh Lặng" được chị tỉ mỉ thực hiện trong thời gian 4 - 5 tháng. Trứng được cẩn nổi trên bề mặt vóc, 80% là vỏ trứng và kết hợp với 20% là vỏ ốc xà cừ. Ở tác phẩm này, chị đã sử dụng mảng miếng to, nhỏ của vỏ trứng để tả sự rêu phong của thời gian trên bức tường nhà thờ. Vì màu trắng của trứng là chủ đạo nên việc sắp xếp mảng – miếng, bố cục cũng cần tính toán kĩ lưỡng cho độ dày/ thưa khác nhau để bề mặt cẩn trứng có nhịp độ và thực hiện được ý đồ về màu sắc của họa sĩ. 

Việc gắn vỏ trứng lên tác phẩm tranh sơn mài phải thật cẩn thận, tỉ mỉ, sử dụng que dính từng mảnh vỏ trứng nhỏ, và sử dụng chất kết dính là sơn cánh dán/ sơn đã được nghiền màu dán đều khít lên các bề mặt theo yêu cầu tạo hình và phối màu. Cuối cùng sử dụng búa gõ nhẹ tạo ra độ rạn của vỏ trứng trên sản phẩm. Và cũng dùng chính búa để giàn trứng ra bề mặt với độ thưa/ dày khác nhau. Các tác phẩm tranh sơn mài khảm trứng tuy mất rất nhiều thời gian và công sức nhưng nó lại sở hữu những nét đặc sắc riêng, ấn tượng và cực kỳ hấp dẫn. Mặc dù nghệ thuật sơn mài xuất hiện tại nhiều quốc gia Châu Âu thế nhưng chỉ có tại việt Nam thì nghệ thuật tranh khảm trứng mới trở thành nét độc đáo riêng biệt. 

------------------------------------------------
Minh họa: Quá trình cẩn trứng tác phẩm "Tĩnh lặng" – Họa sĩ Minh Trang
Chất liệu: sơn mài truyền thống

#sonmaivietnam #tranhcantrung #tranhdep #truyenthong #Tinhlang #MinhTrang